Thạc sĩ bác sĩ Trần Hữu Hiền
1. Đồng cảm – yêu thương – nhiệt thành
Y học là một lĩnh vực vừa thuộc khoa học tự nhiên vừa thuộc khoa học xã hội. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có kho kiến thức vượt trội, nhưng việc thể hiện cảm xúc, sự đồng cảm và tình thương yêu vẫn là điều mà nó chưa thể nào đạt được như con người. Sự đồng cảm, hơn hết, là một phẩm chất thiết yếu của một bác sĩ lâm sàng. Bác sĩ phải yêu thương bệnh nhân – đó là điều hiển nhiên. Thực tế, bạn không thể yêu thương một người nếu không đồng cảm và thấu hiểu họ. Chính tình yêu thương ấy mới tạo nên sự nhiệt huyết, thôi thúc bác sĩ tìm mọi cách để giúp bệnh nhân vơi bớt đau đớn, giảm nhẹ triệu chứng, và lý tưởng hơn nữa là chữa lành bệnh. Điều đó sẽ tạo thành một chuỗi quy luật nhân quả: đồng cảm và thấu hiểu dẫn đến yêu thương, từ đó sinh ra nhiệt thành.
Sự đồng cảm đôi khi lại là một liệu pháp tâm lý, khi bác sĩ khai thác bệnh sử với sự nhạy cảm trước nỗi đau của bệnh nhân, điều này sẽ được thể hiện qua cử chỉ, nét mặt và lời nói, qua đó giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm hơn và vơi đi lo âu bệnh tật ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên.
2. Toàn diện.
Khi hỏi bệnh sử, bác sĩ nên tưởng tượng mình như một phóng viên đang phỏng vấn một người nổi tiếng để viết lại tiểu sử của họ. Lúc này, bác sĩ cần thể hiện sự quan tâm và khuyến khích, nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và tự nhiên kể lại câu chuyện bệnh tật của mình mà không bị ngắt quãng. Có như vậy, bệnh nhân mới có thể cung cấp một cách đầy đủ và toàn diện các chi tiết quan trọng phục vụ cho việc chẩn đoán. Đôi khi, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt và tưởng chừng không liên quan cũng có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải.
Bên cạnh việc tạo sự thoải mái, bác sĩ cần đặt câu hỏi theo một trình tự hệ thống để không bỏ sót các yếu tố cấu thành nên bệnh sử của một bệnh án y khoa. Các yếu tố này bao gồm lý do nhập viện, bệnh sử, và tiền sử (gia đình, nghề nghiệp, bệnh tật, thói quen sinh hoạt, việc sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích).
Ngoài ra, điều quan trọng là bác sĩ cần xác nhận lại các thông tin mà bệnh nhân đã cung cấp. Điều này có thể thực hiện bằng cách kiểm tra lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trên giấy tờ hoặc trên điện thoại, và khi cần thiết, hỏi thêm các thành viên khác trong gia đình. Việc xác nhận lại là cần thiết, bởi lẽ kiến thức y học và khả năng nhớ lại sự việc của bệnh nhân có thể khác nhau. Chẳng hạn, người cao tuổi thường có trí nhớ kém hơn, hoặc một số loại bệnh như sa sút trí tuệ, đột quỵ và các bệnh tâm thần kinh khác có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của họ.
3. Dành thời gian cho bệnh nhân – người bệnh là trung tâm
Trong một số phòng khám tại Việt Nam, những người thầy thuốc thường phải đối mặt với thực trạng quá tải. Số lượng bệnh nhân đông đúc khiến cho thời gian mà bác sĩ có thể dành để hỏi bệnh sử và thăm khám cho từng bệnh nhân trở nên hạn hẹp. Chính điều này vô tình tạo ra một rào cản không nhỏ cho quá trình chăm sóc y tế. Khi thời gian bị bó buộc, người thầy thuốc dễ rơi vào trạng thái vội vã, thúc ép bản thân để hoàn thành công việc, mà không biết rằng sự vội vàng ấy không chỉ làm giảm chất lượng thăm khám mà còn khiến bệnh nhân cảm thấy hụt hẫng, thiếu tin tưởng. Nếu bác sĩ tiếp cận bệnh nhân với một sự hấp tấp, thì niềm tin của bệnh nhân dành cho họ sẽ dễ dàng bị lung lay. Họ sẽ cảm thấy rằng những lo lắng, những câu chuyện cá nhân của mình không đủ giá trị để được lắng nghe, và từ đó ngại chia sẻ những chi tiết quan trọng – những chi tiết có thể là mấu chốt cho chẩn đoán và điều trị. Chính sự hiện diện chậm rãi và chú tâm của bác sĩ mới là điều mang đến cảm giác an toàn cho người bệnh, khiến họ sẵn sàng mở lòng và giãi bày. Và dù cho áp lực công việc có lớn đến đâu, một người thầy thuốc chân chính vẫn sẽ tìm cách để cân bằng và dành cho bệnh nhân của mình một khoảng thời gian đủ đầy và ý nghĩa, để hành trình chữa bệnh không chỉ diễn ra trên thể xác mà còn cả trong tâm hồn.