ThS BS Trần Hữu Hiền
Bằng DIU ĐH Corse CH Pháp
Trước tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng y học là một ngành mang tính khoa học lẫn nghệ thuật. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học (khoa học tự nhiên) đã góp phần nâng cao kiến thức để người thầy thuốc có thể hiểu rõ ràng hơn bản chất của bệnh (cơ chế bệnh sinh) cũng như nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán, hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Nếu bạn là sinh viên y khoa mà không có nền tảng khoa học tự nhiên vững chắc khó có thể tiến xa hơn được trong việc tiếp thu các thành tựu công nghệ cao phục vụ y học lâm sàng: những công bố về bản đồ gen, các phân tử protein màng tế bào giúp tìm ra các phương pháp chẩn đoán và trị liệu chính xác giảm thiểu tác dụng phụ và cải thiện hiệu quả điều trị một cách ngoạn mục. Các hiểu biết mới đây về hệ vi sinh trong cơ thể người, di truyền biểu sinh và các cấu trúc phân tử di truyền trở nên cực kỳ quan trọng mà các thầy thuốc hiện nay cần nắm bắt để hiểu rõ bệnh tật của bệnh nhân. Kỷ nguyên y học chính xác đã mở ra giúp cá thể hoá điều trị: dựa vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích bộ gen tìm các gen bệnh lý.
Tuy nhiên như vậy thôi thì chưa đủ để trở thành bác sĩ. Phẩm chất thiết yếu của bác sĩ là QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI. Khi tôi còn học ở trường y, năm thứ 2 tại Đại học Y Dược Cần Thơ, một người thầy đáng kính đã giới thiệu quyển Harrison’s (tên đầy đủ là Harrison’s Principles of Internal Medicine) một quyển sách y khoa dành cho bác sĩ lâm sàng mà các sinh viên y khoa khắp thế giới đều “đem để đầu giường”. Chúng tôi ấn tượng vô cùng một đoạn văn trong chương đầu tiên mà xem như kim chỉ nam suổt đời trong nghề y của chính mình, xin tạm dịch như sau: Người thầy thuốc phải tế nhị, cảm thông và thấu hiểu, vì bệnh nhân không chỉ là một tập hợp các triệu chứng, dấu hiệu, rối loạn chức năng, các cơ quan bị tổn thương và rối loạn cảm xúc. Bệnh nhân là con người có sợ hãi và hy vọng, tìm kiếm sự thuyên giảm, cần sự giúp đỡ và trấn an. Thật sự là vậy, bởi vì, kinh nghiệm riêng của chúng tôi là: hầu hết bệnh nhân đều lo lắng và sợ hãi, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Một thái độ chuyên nghiệp, cùng với sự ấm áp và cởi mở, có thể làm giảm bớt lo lắng và khuyến khích bệnh nhân chia sẻ tất cả các khía cạnh thầm kín về bệnh sử của họ, đó là nghệ thuật điều trị. Người thầy thuốc cần xem xét toàn diện bối cảnh xảy ra bệnh tật, không chỉ xét về bản thân bệnh nhân mà còn về hoàn cảnh gia đình, xã hội và văn hóa của họ bên cạnh những kết quả cận lâm sàng hiện đại.
Trở lại vấn đề những lợi ích của văn chương trong quá trình hành nghề y. Theo ý kiến cá nhân, chúng tôi xin đưa ra một vài những giá trị thiết thực của học văn trong quá trình học và làm trong môi trường bệnh viện. Điều đầu tiên là về khả năng giao tiếp: nói và viết. Học văn chương giúp bác sĩ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, cải thiện khả năng diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác và gây ấn tượng vì trong quá trình học văn, người học sẽ tăng dần vốn từ vựng và khả năng phản xạ từ vựng trong các tình huống cụ thể. Trong suốt ngày làm việc tại bệnh viện, bác sĩ phải liên tục giao tiếp với bệnh nhân, gia đình, đồng nghiệp và đội ngũ y tế khác. Việc có khả năng giao tiếp tốt giúp bác sĩ truyền đạt thông tin y khoa phức tạp một cách dễ hiểu và tạo sự tin tưởng với bệnh nhân.
Kế tiếp, khi học văn chương, người học phải đọc thật nhiều văn bản (học y cần đọc khối lượng sách đồ sộ) cộng với phải suy nghĩ sâu sắc, phân tích và đánh giá nhiều khía cạnh của một vấn đề. Điều này rất hữu ích cho bác sĩ khi phải đưa ra quyết định chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc có khả năng tư duy phân tích giúp bác sĩ nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ và đưa ra quyết định mang tính toàn diện, chuẩn xác hơn. Thứ hai, học văn trước tiên là biết rung động trước hiện thực, văn chương là môn học thiên hướng cảm xúc, mang tính nhân văn. Những áng văn bất hủ đoạt giải Nobel văn chương không phải vì văn chương “bay bướm” mà vì phác hoạ được hiện thực xã hội từng giai đoạn, từ đó khơi dậy được sự đồng cảm, lòng trắc ẩn của độc giả nhiều thế hệ. Do vậy, chúng tôi thấy rằng văn chương có khả năng giúp bác sĩ phát triển sự nhạy cảm với cảm xúc và trạng thái tâm lý của bệnh nhân. Kỹ năng mô tả tình cảm và sự thông cảm trong văn chương giúp bác sĩ hiểu và tương tác tốt hơn với bệnh nhân, tạo ra một bầu không khí ấm cúng, cảm thông lẫn nhau giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình người bệnh. Thêm nữa, khi đọc một tác phẩm là người đọc như đang đi trên một hành trình đến một miền đất mới. Văn chương khám phá và mô phỏng các tình huống, văn hóa và tầm nhìn khác nhau. Từ đó, bác sĩ có tư duy rộng mở, thấu hiểu và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tôn giáo và giá trị sống của mỗi bệnh nhân.
Tóm lại, từ những trải nghiệm cá nhân, chúng tôi thấy rằng môn văn được thêm vào chương trình tuyển sinh y khoa là cần thiết.